Cô gái gốc Huế từ bán rau muống đến bà chủ làm hũ gia vị bún bò chuẩn Huế,bán hàng trên cả Amazon và eBay

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thoạt trông, ngoại hình của bà chủ YesHue Kim Hằng đậm chất Huế: xinh xắn, dịu dàng; song tính cách của cô lại khá trái biệt - vừa hào sảng, vừa thích đâm đầu vào những việc khó khăn.
Cô gái gốc Huế từ bán rau muống đến bà chủ làm hũ gia vị bún bò chuẩn Huế,bán hàng trên cả Amazon và eBay
Lê Thị Kim Hằng – Co-founder của YesHue.

Mới 27 tuổi, song kinh nghiệm kinh doanh thực tế của Lê Thị Kim Hằng, Co-founder của YesHue vô cùng dày dặn. Bởi như chia sẻ với chúng tôi, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, cô đã tập tành kinh doanh.

 Khởi nghiệp nuôi vịt nhờ duyên "định mệnh" 

//

Là người gốc Huế, nhưng ngay từ nhỏ Kim Hằng đã xa quê, sống thời niên thiếu tại TP. HCM và sau đó ra Bắc học Đại học, rồi có một thời gian bươn chải ở đó. Với niềm đam mê kinh doanh cháy bỏng, ngay từ những ngày còn là sinh viên năm 1 ngành du lịch tại Hà Nội, Hằng đã lập nghiệp bằng cách bỏ rau muống cho các tiểu thương ở chợ nhỏ, rồi mở nhà hàng món Huế giữa phố cổ Hà Nội.

"Trước khi làm cái gì đó lớn lao, tôi muốn trải nghiệm việc kinh doanh từ những mô hình nhỏ nhất như là bán rau muống, shop thời trang… để học hỏi kinh nghiệm, rèn giũa bản lĩnh. Chứ ban đầu khởi nghiệp không nên quá mạo hiểm khi mình chưa sẵn sàng", Kim Hằng nhận định.

Sau khi đi qua rất nhiều cam go khó khăn với rất nhiều dự án khác nhau, Kim Hằng dần nếm những trái ngọt đầu tiên ở độ tuổi 24 với dự án startup "Gia vị bún bò Huế và các sản phẩm khai thác giá trị tài sản trí tuệ mang thương hiệu bún bò Huế" cùng Công ty YesHue, cách đây gần 3 năm.

Dự án này đã đạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo 2017 do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức và giải nhất cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Khởi nghiệp vùng Bắc Trung Bộ 2018 (Techfest Duyên hải Bắc trung bộ) do Bộ Khoa Học Công Nghệ tổ chức.

Từ cô gái bán rau muống đến bà chủ startup ‘sáng’ nhất nhì Huế

Lê Thị Kim Hằng – Co-founder của YesHue

Có lẽ, ý định đóng gói gia vị hoàn chỉnh bún bò Huế đã nảy ra trong đầu Hằng ở những ngày lăn lộn vất vả vừa học đại học vừa kinh doanh quán ăn đặc sản Huế của mình tại phố cổ Hà Nội.

"Tôi không phải lúc nào cũng ở quán, nên cần một công thức thật chuẩn để người khác có thể chế biến món bún bò Huế, chuẩn hương vị Huế một cách nhanh chóng dễ dàng, với chất lượng ổn định mà không quá phụ thuộc vào đầu bếp và các nguyên vật liệu đặc thù.

Vừa là một người cầu toàn, vừa muốn những món ăn của mình mang phong vị Huế nguyên bản nhất có thể, sau này, tôi đã quyết định bắt tay vào việc nghiên cứu làm sao có thể ‘đóng gói’ gia vị bún bò Huế trong một túi hoặc lọ nhỏ, để giúp người đầu bếp, người nội trợ và kể cả người không biết nấu ăn có thể dễ dàng nấu món bún bò Huế đúng vị Huế.

Ngoài ra, tôi cũng muốn góp phần quảng bá thương hiệu ẩm thực Huế - bởi nó vẫn chưa có vị thế đúng như nó đáng có", Co-founder YesHue kể.

Kim Hằng cùng các cộng sự đã mất gần 2 năm để đi tìm nguyên liệu tốt nhất tại Huế cho sản phẩm Gia vị hoàn chỉnh Bún bò Huế, tiến hành R&D để cho ra các thành phẩm khác cũng như tiếp tục khai thác giá trị tài sản trí tuệ mang thương hiệu bún bò Huế. Tiếp theo, họ cũng đã mất kha khá thời gian nhằm cải tiến sản phẩm phù hợp với tất cả các thị trường.

Gia vị Bún bò Huế - sản phẩm nổi bật nhất của YesHue

"Tại Huế, không phải sả nào cũng có thể nấu bún bò Huế mà phải là sả tím – có hình dáng nhỏ xinh nhưng rất thơm. Cũng như vậy, trong các loại ruốc thì con ruốc ở một vài vùng biển Huế mới phù hợp để cho ra hương vị thanh và ngọt thơm.

Gia vị bún bò Huế của YesHue được sản xuất như thế này: sau các quá trình sơ chế nguyên liệu, chúng tôi nấu muối + sả + ớt + đường phèn + ruốc… cho đến khi chúng cô đặc lại. Sản phẩm hoàn toàn không có chất bảo quản.

Tuy nhiên, đó chưa phải tất cả vấn đề: sau khi sản xuất thành công thành phẩm, chúng tôi đã phải liên tục cải tiến nó nhằm phù hợp với nhiều thị trường khác nhau. Chúng tôi không bỏ quá nhiều ớt, vì không phải ai cũng ăn cay giỏi như người Huế, mà bán kèm sản phẩm Tương Ớt Huế để ai muốn ăn cay hơn có thể sử dụng. Hay chúng tôi phải nghiên cứu làm sao để Gia vị Bún bò Huế khi bỏ vào nước dùng sẽ không làm đục nước, với người Bắc, nước dùng cuối cùng của họ dù như thế nào phải luôn trong", Kim Hằng giải thích.

Không chỉ gia vị bún bò, mà nhiều sản phẩm khác sau này, YesHue cũng phải rất cẩn thận để tối ưu hóa chúng nhằm phù hợp với nhiều thị trường. Ví dụ: Dầu Điều Phi, Dầu Tỏi Phi, Dầu Hành Phi của YesHue đã sử dụng dầu ăn thực vật 100% để không bị đông lại dù gặp thời tiết lạnh, vì nếu hàng xuất khẩu qua châu Âu, gặp thời tiết lạnh sản phẩm của YesHue đông lại thì xem như… xong.

Hiện tại, ngoài 12 loại sản phẩm đóng hũ chuyên về gia vị nấu ăn, YesHue đang tìm tòi nghiên cứu sản xuất bún bò Huế bằng sợi bún tươi nhằm có thể ‘đóng gói’ nguyên một tô bún bò Huế tươi ngon nhất, để đem lại cảm giác "chất Huế" nhất trong sản phẩm của họ đến với người tiêu dùng. Trong tương lai, tham vọng của YesHue là có thể mở mỗi chuỗi nhà hàng fastfood chuyên về ẩm thực Huế tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Gian nan tìm thị trường

Kim Hằng trong một lần viếng thăm trụ sở Amazon.

Những tưởng, sau khi nghiên cứu ra cách thương nghiệp hóa gia vị hoàn chỉnh nấu Bún bò Huế là đã thành công, nhưng thực tế cho Hằng và đồng sự thấy, đó chỉ là bước khởi đầu của sự nghiệp. Ra sản phẩm đã khó, bán được nó càng khó hơn!

YesHue đã gặp rất nhiều gian truân trong hành trình tìm thị trường của mình. Họ gặp khó từ kênh truyền thống như chợ tại các tỉnh thành trong cả nước, đến các kênh siêu thị hiện đại, kênh thương mại điện tử…. Gia vị hoàn chỉnh Bún bò Huế cũng như các sản phẩm khác trong bộ sản phẩm của YesHue dường như phù hợp với kênh tiêu dùng hiện đại hơn là truyền thống. Thế nên, dù YesHue đã tốn rất nhiều tiền bạc và công sức cho việc làm thị trường, nhưng thành quả họ nhận lại rất ít.

"Có một thực tế rằng: startup thường không đủ tiềm lực tài chính để phát triển thị trường rộng lớn và bài bản với hệ thống nhân sự bán hàng, điểm bán, chính sách khách hàng, marketing… Đôi khi YesHue đã phải chịu tổn thất lớn khi gặp những nhà phân phối chỉ mong muốn ’đạp giá’ để đẩy được sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách thuận tiện nhất cho mình", Kim Hằng hồi tưởng.

Có một điều kỳ lạ là, trong khi thị trường nội địa khó đi là thế, thì hành trình xuất ngoại của YesHue lại tương đối thuận lợi. Hiện tại họ đã xuất khẩu chính ngạch đến các thị trường Anh, Úc, Canada và đặc biệt có một nhà phân phối lớn tại Mỹ tên Ahna Gourmet. Ahna Gourmet không chỉ phân phối các sản phẩm của YesHue, mà còn giúp YesHue quảng bá thương hiệu tại thị trường Mỹ.

Gian hàng giới thiệu các sản phảm của YesHue trong một hội chợ ẩm thực tại Mỹ.

Hiện tại, doanh thu và sản lượng xuất khẩu của YesHue đang nhiều hơn trong nước. Tại thị trường trong nước, ngoài hệ thống siêu thị Big C toàn quốc, sản phẩm của YesHue chủ yếu phân phối qua các kênh siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm sạch, các quán ăn và nhà hàng bán món bún bò Huế ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Ngoài ra, họ cũng đang bán hàng trên các trang thương mại điện tử trong nước cũng như quốc tế. Hiện tại, các sản phẩm YesHue đã có mặt trên Amazon và eBay.

Dù khó khăn là thế, song Kim Hằng không nản lòng, vẫn lạc quan tiến về phía trước. YesHue vẫn đang có ý định sẽ tiếp tục tấn công các kênh siêu thị trong nước khác và phát triển kênh xuất khẩu cũng như tìm cách thực hiện giấc mơ mang thương hiệu "Bún Bò Huế" đến với mọi người trên toàn thế giới, thông qua chuỗi cửa hàng fasfood ẩm thực Huế.

Đây quả là một thử thách không dễ dàng, nó khó gấp mấy lần ‘bài toán’ đóng gói gia vị hoàn chỉnh nấu bún bò Huế hay bún bò Huế tươi. Bởi, đồ ăn của Huế nổi tiếng bởi sự cầu kỳ và tinh tế, giữ được tất cả những phẩm chất đó khi làm fastfood, thoạt trông có vẻ ‘không tưởng’.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật