Trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ 1/8

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ 1/8
Toàn cảnh phiên họp tại hội trường. (Ảnh: quochoi.vn)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 19/6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024 (sớm hơn 5 tháng). Một số quy định chuyển tiếp từ Điều 253 đến Điều 260, Luật Đất đai cho phép có hiệu lực từ 1/1/2025.

Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/7, song có 2 khoản (khoản 3, Điều 200 và khoản 15, Điều 210) có hiệu lực từ 1/1/2025, cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản.

Do vậy, khi thời điểm có hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản thay đổi, thì cần thiết phải sửa đổi hiệu lực các khoản này để bảo đảm áp dụng đồng bộ quy định Pháp Luật, bảo đảm chặt chẽ khi nhận tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng.

Cũng trong chiều nay, sau khi Chính phủ có tờ trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Theo chương trình dự kiến, từ 10h30 đến hết giờ làm việc sáng 20/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Chiều 21/6, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự luật trên. Cuối phiên họp, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Dự kiến sáng 29/6 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

Trước đó, tại phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng tại Kỳ họp thứ 7, theo quy trình, thủ tục rút gọn tại 1 kỳ họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn, bảo đảm chất lượng, tiến độ, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành luật từ 1/8. Đồng thời rà soát kỹ các điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, không chồng chéo, mâu thuẫn trong nội tại từng luật, giữa các luật và hệ thống Pháp Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nhận diện rõ đầy đủ rủi ro, thách thức, tác động tiêu cực của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật để có biện pháp kiểm soát và khắc phục.

"Chính phủ cần cam kết, chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội, Nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật; không tạo khoảng trống Pháp Luật, pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm, lợi ích nhóm", Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần cam kết không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho các địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển, không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng dẫn đến phản ứng xã hội, khiếu nại, khiếu kiện ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật