Xuất khẩu cá tra lạc quan nửa cuối 2024

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra chỉ nhích nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng kỳ vọng giá xuất khẩu cải thiện nhờ nhu cầu phục hồi sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu cuối năm.
Xuất khẩu cá tra lạc quan nửa cuối 2024
Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tháng 5/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 167 triệu USD, tăng 5% so với tháng 5/2023. Lũy kế xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm nay đạt 747 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phile cá tra đông lạnh vẫn là sản phẩm chủ lực xuất khẩu cá tra Việt Nam. Tháng 5/2024, xuất khẩu sản phẩm này sang các thị trường đạt 134 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 5, Việt Nam xuất khẩu gần 603 triệu USD phile đông lạnh cá tra sang các thị trường, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường tiêu thụ, Trung Quốc và Hồng Kông vẫn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm nay đạt gần 203 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ. Riêng tháng 5 là tháng ghi nhận giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông cao thứ 2 kể từ đầu năm nay với giá trị gần 50 triệu USD, tăng nhẹ 0,4% so với cùng kỳ, tăng 21% so với tháng trước đó.

Đứng thứ hai trong tiêu thụ cá tra Việt Nam là Mỹ, nhưng thị trường này ghi nhận tăng trưởng âm trong tháng 5/2024, đạt 30 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm nay sang Mỹ đạt hơn 132 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu cá tra sang khối thị trường CPTPP đứng thứ ba và tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong tháng 5/2024 với giá trị đạt gần 13 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, một vài thị trường ghi nhận tăng nhập khẩu cá tra bao gồm Mexico, Nhật Bản, Canada, Singapore,.. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu cá tra sang CPTPP đạt 103 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ.

Thị trường thứ tư là EU đã chứng kiến sụt giảm 16% trong tháng 5/2024 với giá trị 14 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu 5 tháng đầu năm sang thị trường này đạt 70 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù kim ngạch sụt giảm, tuy nhiên nhiều thị trường trong khối EU ghi nhận tăng nhập khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 5/2024, trong khi tháng 5/2023 gần như không nhập khẩu, bao gồm: Bulgaria (59.000 USD), Hungary (40.000 USD), Cộng hòa Séc (53.000 USD).

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu cá tra nửa cuối 2024, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) duy trì quan điểm tích cực nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu phục hồi như lạm phát được kiểm soát tại các thị trường lớn, tạo động lực cho hoạt động tiêu dùng, ăn uống phục hồi.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn đều được dự báo tăng trưởng tích cực trong 2024. Trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 4/2024, IMF nâng dự báo GDP của Mỹ lên 2,7%, GDP EU đạt 0,8%. TPS cũng kỳ vọng nhu cầu tại thị trường Trung Quốc sẽ cải thiện khi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế “thẩm thấu”.

Đặc biệt, việc Mỹ và EU liên tục siết chặt nhập khẩu thủy sản từ Nga sẽ mở ra cơ hội cho cá tra Việt Nam.

Xét về giá, giá cá tra xuất khẩu đã có sự cải thiện tích cực khi nhu cầu dần phục hồi tại các thị trường chính (hoạt động nhập khẩu giai đoạn cuối năm để phục vụ dịp lễ Tết) và giá cá nguyên liệu thấp, khiến các hộ nuôi cá trì hoãn thả giống mới làm nguồn cung bị ảnh hưởng trong nửa đầu năm 2024.

Nhưng trong nửa cuối năm, nguồn cung cá tra sẽ có sự ổn định khi diện tích thả giống mới trong quý I/2024 tăng trở lại; đồng thời giá nguyên liệu đầu vào làm thức ăn nuôi cá tra có thể sẽ hạ nhiệt khi hiện tượng El Nino suy yếu, thời tiết thuận lợi hơn trong nửa cuối năm, hỗ trợ cho việc thả giống của các hộ nuôi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật